Giới trẻ hiện nay rất chuộng phong cách tối giản nhất trong sinh hoạt và thời trang, đặc biệt là sinh viên. Hầu hết sinh viên đang dần chuyển sang xu hướng sống tối giản vì một vài lý do sau đây.
Sống tối giản như thế nào, mục đích đạt được là gì?
Nhiều người thường giữ khư khư định kiến rằng “tối giản” đòi hỏi sự kiêng khem cực hạn cả về vật chất lẫn tinh thần, hay phải trang trí, bày biện vật dụng sang trọng như các vlogger trên YouTube.
Minimalism là tư duy
Thật ra, bởi vì không có bất kỳ yêu cầu hay khuôn khổ cụ thể cho những người muốn sống theo chủ nghĩa này, minimalism thường được xem là một lối tư duy để cải thiện cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn, tập trung vào những gì quan trọng và cần thiết nhất cho bản thân.
Cụ thể, hai tiếng “tối giản” ở đây nhấn mạnh vào thông điệp: càng ít các mắt xích quan hệ, càng bớt đi những thứ “gắn” với bản thân thì sẽ không cảm thấy sợ đánh mất bất kỳ điều gì.
Tiết kiệm thời gian và công sức cho những gì cần thiết hơn
Quỹ đạo thời gian của con người chỉ vỏn vẹn 24 tiếng một ngày, không thể kéo dài cũng chẳng thể cầu mong giải quyết được nhiều vấn đề hơn. Dành 10 phút chỉ để lựa chọn trang phục phù hợp cho buổi sáng, gần nửa tiếng lướt mạng xã hội nhưng không mang lại bất kỳ thông tin bổ ích nào, tiêu vặt vài trăm nghìn cho món đồ chỉ sử dụng được vài lần…
Tất cả những lỗ hổng thời gian hoang phí đó đối với một người theo chủ nghĩa tối giản (minimalist) sẽ được lấp đầy bằng việc xử lý công việc cấp bách tại công ty, một bữa sáng lành mạnh, cuốc bộ vài vòng để tận hưởng âm thanh của thiên nhiên hay chi tiêu cho đôi giày dù đắt nhưng chất lượng được đảm bảo để sử dụng dài hạn.
4 bước dễ nhất để bắt đầu hành trình sống tối giản dành cho sinh viên
1. ”Thanh trừng” món đồ không sử dụng trên 3 tháng
Việc chọn lựa các vật dụng hay quần áo vào mỗi sáng hoàn toàn có thể được dễ dàng hóa bằng việc “tạm biệt” những món ít dùng. Những gì có cùng chức năng, có khả năng thay thế cho nhau, chỉ chênh lệch ở kiểu dáng hay chất liệu thì đừng ngần ngại chọn một trong số đó và sử dụng mà thôi.
Trong giai đoạn tiêu trừ những gì thừa thãi này, hãy đặt các món đồ, quần áo “may mắn” được chọn đó vào thùng và bao khác nhau. Đừng quên phân loại chúng rõ ràng, sau đó bạn có thể gửi đến những nơi mà chúng sẽ phù hợp và được nâng niu hơn như cộng đồng người vô gia cư, các cửa hàng quần áo 0 đồng, hay đăng bài trên group đồ cũ tại Facebook…
2. Sắp xếp ngăn nắp mọi thứ, chỉ trưng bày những vật sử dụng thường xuyên
Sau khi đã “thanh lọc” không gian sống bằng cách gửi đi những gì không cần thiết, các vật dụng còn lại cần được đặt để vào những vị trí thích hợp. Nhằm mục đích giữ cho không gian luôn thoáng đãng và tối giản, hãy chỉ bày biện những thứ thật sự quan trọng tại các vị trí “đắc địa”, vừa nhìn đã có thể lấy ngay khi cần.
Bước này nghe qua tưởng chừng rất dễ thực hiện, nhưng nếu chỉ cần không khống chế được ham muốn trưng bày “thật đẹp, thật sang” như vlogger, món gì cũng muốn phô trương cho cả thế giới thấy thì cuối cùng bạn có thể sẽ đối mặt với tình trạng căn phòng bừa bộn như trước khi thực hiện bước một vậy.
3. Chi tiêu cẩn thận, mua hàng chất lượng
Một trong những vấn đề lớn nhất khi quyết định sống theo chủ nghĩa minimalism chính là “tối giản” trong chi tiêu song đây cũng là vấn đề đau đầu đối với sinh viên. Điều này không đồng nghĩa với việc hạn chế mua sắm đến mức tối thiểu, kiêng khem không chi cho bất kỳ thứ gì.
Như đã đề cập, lối sống tối giản được xem như một kiểu tư duy hơn là khuôn khổ và các ràng buộc nhất định. Áp dụng điều này với các khía cạnh về tài chính, trước khi đi đến quyết định mua, hãy đặt những câu hỏi như:
- Sản phẩm này sẽ sử dụng trong bao lâu?
- Sản phẩm này có sở hữu nhiều công dụng khác nhau?
- Những dịp, hoàn cảnh gì sẽ cần đến sản phẩm này? Có thường xuyên cần sử dụng không?
Trả lời các câu hỏi trên, bạn đã phần nào hoàn thành bài “test” tìm hiểu tất tần tật về sản phẩm, cũng như cho bản thân cơ hội được cân nhắc chi tiêu kỹ càng hơn. Có thể ban đầu, đây là một quá trình tốn thời gian và rườm rà, nhưng rèn luyện nó thường xuyên sẽ hình thành cho bạn một thói quen, dần dần sẽ không cảm thấy khó khăn nữa.
4. Quan tâm đến sức khỏe bản thân
Cuối cùng, chẳng phải chúng ta áp dụng lối sống tối giản với mong muốn một cuộc sống tốt hơn, lành mạnh hơn sao? Như vậy, duy trì thói quen ăn uống, thức dậy và ngủ nghỉ điều độ cũng là một trong những cách để dần trở thành một minimalist chính hiệu.
Các bài tập thể dục vào sáng và tối, chạy bộ đường dài, yoga, ăn sạch (eat clean), đặt thông báo đến giờ ngủ trong điện thoại, cài ứng dụng nhắc nhở uống đủ 2 lít nước mỗi ngày,… đều là những lựa chọn mà bạn hoàn toàn có thể bắt tay vào thực hiện ngay hôm nay.
0 Comments:
Đăng nhận xét